Mâm cỗ cúng chuẩn nhất ngày mồng 1 Tết Mậu Tuất 2018
Theo một số chuyên gia, khi chuẩn bị lễ mặn để thắp hương sáng mùng 1 Tết thì cần lưu ý là gà phải mổ từ tối hôm trước vì sáng mùng 1 kiêng sát sinh.
Lời khuyên cho mâm cỗ cúng ngày mùng 1 tết:
Theo chia sẻ của chuyên gia phong thủy Hoàng Anh Hùng (Ông Ích Khiêm, Ba Đình, Hà Nội) với báo giới trong nước, việc sửa soạn lễ và cúng trong 3 ngày mùng 1, 2, 3 Tết cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, sáng mùng 1 khá quan trọng vì là ngày đầu tiên của năm mới.
Ông lưu ý, sáng mùng 1 nếu gia chủ cúng gà thì gà phải được làm thịt từ hôm trước. Mùng 1 là ngày đầu năm mới nên kiêng sát sinh. Ngoài ra, không nên để chung đồ lễ trên bàn thờ. Khi cúng, hoa quả nên để ở ban trên, còn đồ mặn thì nên kê thêm bàn ở dưới rồi thắp hương.
Theo các chuyên gia, trong mấy ngày Tết, các gia đình không nên thắp hương quá nhiều mà chỉ nên thắp trước bữa ăn, mỗi lần 1 nén nhang cho 1 bát hương. Khi làm lễ, gia chủ nên ăn mặc chỉnh tề, tránh mặc quần đùi. Quá trình khấn phải diễn ra liền mạch, tránh việc đang cúng lại ngừng làm việc khác.
Nếu gia đình có điều kiện thì nên có đồ dùng riêng dành cho việc thờ cúng chứ không nên dùng vật dụng hàng ngày để đựng đồ cúng lễ.
Chuyên gia nghiên cứu tâm linh Nguyễn Thị Nghĩa (Hà Nam) cho rằng: "Với các gia đình có bàn thờ Phật, trong những ngày mùng 1, 2, 3 cần tuyệt đối tránh việc để các đồ lễ mặn lên như nước mắm, thậm chí là để gần, bởi, bàn thờ này chỉ thờ các đồ chay, thanh tịnh"
Vật phẩm cúng ngày mùng 1 Tết gồm: mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn, nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Cỗ mặn hoặc chay là các món ăn ngày Tết được chế biến thơm ngon, bày biện trang nghiêm.
Khi cúng gia tiên, tiền bạc, vàng mã phải để nguyên và đốt nhang đèn suốt ba ngày Tết cho đến lễ hóa vàng ngày mùng 3", nguồn trên thông tin.
Theo phong tục dân gian, bữa cơm cúng sáng mùng 1 Tết gọi là cúng Nguyên đán, được hiểu là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Trong ngày này, người ta thường cúng tổ tiên và thần linh. Còn chiều mùng 1 các gia đình làm cơm cúng Tịch điện, gọi là cúng cơm chiều.
Dưới đây là gợi ý cho những món ăn không thể thiếu cho mâm cỗ cúng ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán:
- Thịt gà trống thiến. Gà có thể làm từ chiều 30 Tết vì dân gian kiêng sát sinh trong ngày đầu năm mới.
- Bát canh măng hầm hoặc thay bằng canh bóng
- Miến xào lòng gà hoặc nấu
- Đĩa xôi gấc đỏ tươi. Xôi gấc như thể hiện mong ước được nhiều may mắn trong năm mới
- Đây cũng là món ăn quan trọng, thịt đông được nấu từ thịt chân giò và để đông lại ăn trong mấy ngày Tết.
- Bánh chưng xanh hoặc bánh tét. Bánh chưng thường được gói từ 26, 27 Tết và luôn xuất hiện trong mọi mâm cơm ngày Tết.
- Giò lụa được làm toàn bộ từ thịt lợn nạc tươi là món ăn xuất hiện từ lâu trong mâm cỗ cúng của người Việt.
Sau khi mâm cỗ cúng mùng 1 Tết được gia chủ sửa soạn tươm tất thì người đàn ông trụ cột hoặc chủ nhà phải đích thân bưng lên bàn thờ.
Tiếp đến những người trong nhà lần lượt vái trước bàn thờ tổ tiên vài vái để thể hiện lòng thành kính với tiên tổ. Đợi đến khi hương tàn, gia chủ lễ tạ và hạ cỗ xuống để con cháu hưởng lộc.
Theo Hạ Vy/Khỏe&Đẹp